Về Việt Nam hay ở lại vùng dịch có nguy cơ như nhau, du học sinh nên cân nhắc thật kỹ, làm tất cả những gì có thể để bảo vệ mình.
Bảo vệ bản thân trước khi bảo vệ cộng đồng
Chị Nguyễn Vũ Thanh An, thạc sĩ giáo dục học tại Đại học Harvard và Nguyễn Hạnh Chi, Trưởng văn phòng Tư vấn Đại học, Du học và Hướng nghiệp trường Olympia (Hà Nội); thành viên Hiệp hội phát triển tư vấn hướng nghiệp châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ lời khuyên với du học sinh.
Tuần qua, rất nhiều trường trên thế giới chuyển sang học online hoặc đóng cửa, một số ký túc xá ngừng hoặc hạn chế hoạt động. Điều này gây ra rung động nhất định trong cộng đồng học thuật quốc tế, gần hơn nữa là du học sinh Việt Nam. Việc chuyển tiếp từ hình thức học truyền thống sang online khiến một số bạn phải mất thêm thời gian làm quen. Các sinh viên năm cuối có thể phải tốt nghiệp muộn hơn, hoặc thậm chí không có lễ tốt nghiệp.
Qua trao đổi với một số du học sinh, chúng tôi biết hiện một số bạn cân nhắc về hoặc đã về Việt Nam. Cũng nhiều bạn quyết định trụ lại dù đang có dịch. Chúng tôi chia sẻ cùng các bạn rằng về Việt Nam hay ở lại vùng dịch nguy cơ là như nhau.
Khi WHO tuyên bố Covid-19 là "đại dịch toàn cầu", chúng tôi hiểu quyết định về Việt Nam hay ở lại nước sở tại (hay việc băn khoăn chưa biết quyết gì) với các bạn đều rất khó khăn. Phụ huynh thấy con em ở nơi thật xa trong hệ thống khác Việt Nam về nhiều mặt, cũng không khỏi lo lắng.
Tuy không phải chuyên gia về y tế, việc tư vấn trường học cho chúng tôi cơ hội được hỗ trợ tiếp cận cũng như truyền tải thông tin chính thống, có số liệu và cơ sở khoa học để giúp du học sinh và gia đình đưa ra quyết định.
- Về Covid-19: Đây là dịch bệnh gây ra bởi virus chủng mới trong họ corona. Người nhiễm bệnh có những triệu chứng như sốt, ho, khó thở. Sau khi vào cơ thể, virus sẽ tấn công phổi. Những người lớn tuổi, có bệnh lý nền là nhóm dễ bị ảnh hưởng nặng nhất. Lứa tuổi thanh thiếu niên có tỷ lệ tử vong khá thấp - 0,2%, theo số liệu từ Worldometers.
- Tại sao các trường học đóng cửa? Đóng cửa trường học là chiến lược làm chậm đi sự lây lan của dịch bệnh vì làm giảm việc tiếp xúc giữa học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường, làm giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng nói chung bằng cách tăng khoảng cách xã hội.
- Tại sao chúng ta cảm thấy căng thẳng? Vì chúng ta đều là con người, có rất nhiều thứ chưa biết về chủng virus mới này. Tâm lý con người tránh những thứ không chắc chắn, đôi khi là suy diễn thêm chuyện để giải thích những hiện tượng chưa rõ ràng. Nói cách khác, chúng ta thà thấy sợ còn hơn chấp nhận sự bấp bênh. Cùng với sự bùng nổ thông tin của thời đại số, chúng ta càng cảm thấy dịch bệnh như đã đến cửa nhà mình rồi.
- Vì sao du học sinh hoặc gia đình muốn ở lại? Đầu tiên, các bạn sợ khi về sẽ ảnh hưởng tới việc quay lại học những năm tiếp theo hoặc xin visa. Một số bạn có giấy tờ đi thực tập, đi làm cần được giải quyết, cũng có thể vì hiện tại khu của bạn chưa có dịch nên nghĩ về là không cần thiết.
Có bạn sợ về nguy hiểm hơn việc trụ lại do có thể bị lây trên đường, rồi lan ra mọi người xung quanh. Khi lựa chọn ở lại, các bạn phải sẵn sàng đối mặt với việc sẽ hạn chế ra ngoài đường, phải tự chuẩn bị rất nhiều đồ ăn và nhu yếu phẩm. Có nhiều bạn chia sẻ vì công việc, học tập mà ở lại và chấp nhận cảm giác thiếu an toàn. Vì việc chữa trị cho người ngoại quốc không phải đơn giản.
- Vì sao một số bạn và gia đình chọn về Việt Nam? Các bạn tin tưởng vào phương pháp phòng chống dịch hiện tại của Việt Nam. Ngộ nhỡ có vấn đề gì, các bạn sẽ được đồng bào hỗ trợ, được người thân ở bên, không phải sống trong sợ hãi nơi xứ người.
Hơn nữa, một số nơi đã phong tỏa, hay dừng các chuyến bay về Việt Nam. Các bạn sợ khi dịch bùng lên, có lẽ sẽ quá muộn để về. Cũng có lẽ nhiều người nghĩ du học sinh thì hãy ở yên bên đó đi, đừng mang dịch về. Chúng tôi lại nghĩ rằng những giá trị hướng về cộng đồng mới có thể giúp chúng ta vượt qua dịch bệnh. Chúng ta có thể hỗ trợ khách ngoại quốc, sao lại xua đuổi đồng bào?
Các bạn nếu về từ vùng dịch, chắc chắn sẽ được hướng dẫn cách ly cũng như bảo vệ cộng đồng một cách tốt nhất. Như trường hợp "bệnh nhân 18", sau khi về từ vùng dịch Hàn Quốc và cách ly theo chỉ dẫn, bạn không làm lây lan dịch, đến sáng 15/3 đã có xét nghiệm âm tính.
Quyết định đi hay ở là do các bạn và gia đình, tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi cá nhân.
Lời khuyên cho các bạn chọn ở lại:
- Bạn có thể liên hệ với Đại sứ Quán Việt Nam tại nước sở tại nếu cần hỗ trợ.
- Làm việc với các văn phòng nhà trường: Văn phòng hỗ trợ học sinh quốc tế liên quan đến visa, giấy tờ; văn phòng hỗ trợ học thuật, các giáo sư, cố vấn...
- Với các bạn ở ký túc xá, hãy liên hệ với văn phòng Quản lý ký túc xá. Trường hợp ký túc xá đóng cửa, hãy liên hệ với trường, văn phòng Hỗ trợ vinh viên quốc tế, hội Cựu sinh viên cũng như những gia đình cộng đồng để được hỗ trợ.
- Nên chuẩn bị nguồn cung cấp thức ăn và nhu yếu phẩm ổn định và có phương án dự trù nếu như có thay đổi với nguồn mua đồ hiện tại. Nên đặt đồ online thay vì đi chợ/siêu thị. Trường hợp trường đóng cửa và bạn gặp khó khăn nhận đồ, hãy liên hệ với văn phòng phụ trách của trường để đàm phán quyền lợi. Sau đó, bạn có thể gọi cho bưu điện gần nhất để được hỗ trợ nhận hàng.
- Hợp tác chặt chẽ với trường học của bạn vì hiện tại một số trường hỗ trợ sinh viên tối đa. Và hãy chủ động, sáng tạo vì có thể kế hoạch hiện tại của trường bạn sẽ thay đổi.
- Nếu có kế hoạch liên quan tới việc làm hoặc đang cần hoàn thành chương trình thực tập, hãy ngay lập tức thông báo với người cố vấn hỗ trợ để tìm giải pháp thay thế tạm thời. Đừng ngần ngại đưa ra giải pháp của riêng bạn vì Covid-19 là tình hình mới mà chúng ta đều đang học cách thích nghi.
- Hiểu rõ về quy định y tế cũng như bảo hiểm của bản thân; gọi trực tiếp và hỏi công ty bảo hiểm/cơ sở y tế địa phương nếu chưa rõ.
- Có danh sách trang tin chính thống để cập nhật tin tức từ nước sở tại và của địa phương đang sinh sống.
Lời khuyên cho các bạn quyết định về:
- Liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để cập nhật quy định hiện tại của Việt Nam cũng như những bước cần thiết để đảm bảo tính pháp lý khi bạn quay lại.
- Làm việc với văn phòng nhà trường: Văn phòng hỗ trợ học sinh quốc tế liên quan đến visa, giấy tờ; văn phòng hỗ trợ học thuật, văn phòng tài chính (nếu có học bổng, hỗ trợ tài chính). Các bạn cần hiểu rõ quy định về học phí, visa, cũng như chương trình học thuật của bản thân. Bạn nên lịch sự thông báo với thầy cô đang giảng dạy mình và giáo sư cố vấn.
- Xử lý hợp đồng nhà và chi trả những khoản cần thiết. Các bạn ở ký túc xá có thể liên hệ với văn phòng quản lý ký túc xá, đọc lại thỏa thuận của hai bên để hiểu rõ quyền lợi của mình.
- Liên hệ với ngân hàng, các tài khoản đã đăng ký và theo dõi để tìm cách quản lý chúng khi ở Việt Nam hoặc tạm thời đóng các tài khoản đó. Bạn cũng nên ngắt sim điện thoại để giảm chi phí các tháng tới.
- Nếu không mang được toàn bộ đồ đạc về, hãy sắp xếp một nơi an toàn và tin tưởng để có thể gửi. Các bạn cũng có thể ủng hộ những đồ không còn dùng đến.
- Tham khảo các cách di chuyển giảm thiểu rủi ro trong mùa dịch từ nguồn chính thống như WHO.
- Hiểu rõ về quy định bảo hiểm khi di chuyển và có những biện pháp bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng.
- Theo dõi để cập nhật tin tức cả ở nước sở tại và Việt Nam vì tình hình có thể thay đổi theo giờ.
- Hiểu rõ quy trình cách ly theo yêu cầu của Bộ Y tế Việt Nam để hợp tác một cách hiệu quả nhất.
- Với những bạn ở vùng dịch về, các bạn cần chuẩn bị tâm lý đi cách ly tập trung. Trường hợp này, hãy báo với những người quản lý rằng bạn vẫn cần học và thi online để quá trình học tập được thông suốt.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ngày 18/3, đại diện Bộ Giao thông Vận tải khuyến cáo người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ việc trở về do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh, có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay. Chuyên gia y tế nêu rõ khả năng lây nhiễm bệnh rất cao khi người dân di chuyển đến sân bay và trên máy bay.
Đến sáng 19/3, 173 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất hiện Covid-19, làm hơn 218.380 người nhiễm bệnh, 8.930 người chết. Việt Nam ghi nhận 76 ca nhiễm, trong đó 16 người đã khỏi.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là Mỹ 29.000, kế đó là Canada 21.000, Australia và New Zealand 30.000, Nhật Bản 15.000, Hàn Quốc 14.000, Anh 12.000, Italy và Trung Quốc mỗi nước khoảng 11.000, Đức 7.500, Pháp 6.500.